Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh

Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh

Việc tổ chức thi bảo đảm quyền lợi và sự bình đẳng cho tất cả học sinh trong toàn quốc; đồng thời cũng phải đặt yêu cầu gắt gao bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên tham gia vào kỳ thi.

Một số nước tổ chức thành công

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) cho biết: Tại Berlin, tháng 5 vừa qua kỳ thi tốt nghiệp diễn ra trong bối cảnh thành phố có 5.000 người nhiễm bệnh. Nhiều biện pháp y tế được đưa ra để bảo đảm an toàn về sức khỏe cho kỳ thi: Giảm số lượng thí sinh trong phòng thi để giãn cách 1,5m/người. Các thí sinh không được dùng chung đồ dùng như bút, giấy. 

"Theo tôi, kinh nghiệm này có thể áp dụng ở Việt Nam. Học sinh khỏe mạnh thi cùng đợt, học sinh nhóm nguy cơ thi ở kỳ thi bổ sung. Việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn này tại Việt Nam vẫn khả thi, vì diễn biến dịch hiện nay vẫn cho phép thực hiện điều đó" - TS Nguyễn Văn Cường nhận định.

Một số môn thi, câu hỏi và phiếu làm bài được đặt tại chỗ ngồi, trước khi gọi thí sinh vào; giám thị trao đề thi/để đề thi ở bàn bắt buộc dùng găng tay. Khuyến khích thí sinh mang theo găng tay 1 lần để sử dụng; luôn có người trông coi ở khu vực hành lang, vệ sinh để nhắc nhở học sinh trong việc thực hiện giãn cách. Thí sinh thi xong phải về nhà ngay. Thí sinh F1, F2 có biểu hiện như cảm cúm, hoặc sốt trên 37 độ C không được dự thi. Những học sinh không tham gia kỳ thi chung sẽ được thi trong kỳ thi bổ sung.

Tại Hồng Kông, kỳ thi văn bằng trung học Hồng Kông cũng diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, với hơn 50.000 thí sinh dự thi. Đại diện của Bộ GD&ĐT tại Trung Quốc cũng thông tin, nước này đã hoàn thành kỳ thi với sự tham gia của khoảng 10 triệu thí sinh. Rất nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh được áp dụng khi tổ chức kỳ thi. Trong đó đáng chú ý là: Kiểm tra thân nhiệt với toàn bộ người vào trường thi (cán bộ coi thi và thí sinh). 

Người có thân nhiệt dưới 37,3 độ C mới được vào trường thi; các địa điểm thi phải bố trí thêm phòng cách ly; cán bộ, nhân viên phục vụ công tác thi đều phải xét nghiệm axit nucleic. Đối với vùng dịch được xếp ở mức nguy cơ nguy hiểm cao và trung bình, tất cả thí sinh phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic trong vòng 7 ngày, kết quả âm tính mới được vào phòng thi. Tại phòng thi đặc biệt dành cho thí sinh bị nhiễm, gửi đề thi trực tuyến, coi thi qua camera; phòng thi có máy tính, máy in để thí sinh in đề; làm xong sẽ chụp bài nộp lại.

Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh ảnh 1
Phun hóa chất khử khuẩn trong phòng thi tại Trường THPT Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn).

Trường ĐH sẵn sàng… chờ thí sinh

Có thể nói, quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại mà vẫn bảo đảm hoạt động kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là một quyết định rất khó khăn. Bởi nó cần phải đáp ứng được cả hai yêu cầu có vẻ trái ngược nhau.

Có ý kiến nên hủy kỳ thi, cho học sinh đặc cách tốt nghiệp. Những ý kiến này thể hiện sự quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2021, cho rằng: Việc thi tốt nghiệp THPT đã ghi trong Luật Giáo dục; muốn hủy, Quốc hội cần họp và ra Nghị quyết tạm hoãn Khoản 3, Điều 45 Luật Giáo dục. Với thời gian chỉ còn một tuần, điều này khó khả thi. Đồng thời, việc hủy kỳ thi, đặc cách công nhận còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh theo các tiêu chí của ngành Y tế.

Việc hoãn, hủy, theo GS Nguyễn Quý Thanh, còn cần tính cả đến hậu quả với chất lượng nhân lực sau 5 năm nữa. Bởi vì, việc kiểm tra đánh giá ở bậc THPT còn nhiều vấn đề, điểm học bạ phần nào chưa phản ánh chính xác học lực. Lại có ý kiến cho rằng, thi tốt nghiệp mà luôn có trên 90%, thậm chí trên 95% tốt nghiệp thì không nên tổ chức thi. GS Nguyễn Quý Thanh khẳng định có nhầm lẫn, hiểu chưa đúng bởi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao là do cả điểm học bạ và điểm thi, chứ không phải chỉ tính theo điểm thi tốt nghiệp.

"Nếu phân tích kỹ phổ điểm các môn trong Kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây sẽ thấy, tỷ lệ thí sinh đạt trên 5 điểm môn ở một môn nào đó (trừ môn Giáo dục công dân) thường dưới 60%. Thậm chí có những môn, tỷ lệ thí sinh "vượt sàn" - điểm trung bình (5 điểm) - chỉ khoảng 20%, 30%. Kết quả này có ý nghĩa phân loại để tuyển sinh đại học. Đúng là các trường đại học được tự chủ, nhưng việc họ không tổ chức thi riêng (vốn khá tốn kém nguồn lực xã hội), lấy kết quả từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là điều bình thường" – GS Nguyễn Quý Thanh cho hay.

Cũng theo GS Nguyễn Quý Thanh, về dịch bệnh sẽ theo hướng dẫn và phân loại của ngành Y tế. Nếu cơ quan chuyên môn không có cảnh báo đặc biệt theo các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh, vẫn nên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, có thể thực hiện ở những vùng mà dịch được kiểm soát và tổ chức đợt bổ sung cho các thí sinh có nguy cơ hoặc ở các vùng đang thực hiện phong tỏa.

Là người đứng đầu một cơ sở giáo dục đại học, GS Nguyễn Quý Thanh cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ cho thí sinh xét tuyển vào đại học trong bối cảnh đặc biệt này. "Năm nào cũng có thí sinh vào muộn vì nhiều lý do khác nhau. Năm nay, việc xét tuyển kéo dài tận tháng 11, cho nên có thi cuối tháng 8 vẫn đủ thời gian xét" – GS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ.

Nêu quan điểm liên quan đến đề xuất chia 2 đợt thi của Bộ GD&ĐT, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, cho rằng: Sự linh hoạt và sáng tạo trong đề xuất phương án thi của Bộ là khả thi, không những thực hiện đúng quy chế thi và sức khỏe cho giáo viên, học sinh, cán bộ làm thi, mà còn bảo đảm được sự công bằng, quyền lợi của thí sinh và chất lượng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ