TPHCM: Dân không “mặn mà” với giấy phép xây dựng trực tuyến

TPHCM: Dân không “mặn mà” với giấy phép xây dựng trực tuyến

Thủ tục online nhưng nộp… trực tiếp

Ông Nguyễn Thành Phương - Giám đốc Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng Minh Phương, Quận 9 cho biết, thực hiện thao tác một cửa, người dân vẫn sẽ phải có ít nhất 2 lần lên Phòng Quản lý đất đai quận, huyện để nộp các bản gốc giấy tờ như bản vẽ, CMND, hộ khẩu… khi hồ sơ trực tuyến đã được duyệt.

Bản vẽ xác định ranh, mốc tọa độ khu đất chỉ được chấp thuận khi có một công ty vẽ, đóng dấu xác nhận. Chưa kể các thủ tục, giấy tờ phải chỉnh sửa, bổ sung trực tiếp sau khi nộp hồ sơ trực tuyến còn thiếu (người dân phải chụp ảnh, scan tất cả file có mộc đỏ gửi lên). Vì vậy, nhiều người cảm thấy còn phiền phức nên gửi trọn gói dịch vụ cho “cò” hoặc công ty thực hiện cho mình.

Ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM nhìn nhận tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ này 3 năm qua vẫn còn khiêm tốn, thậm chí là còn rất thấp so với số người liên hệ trực tiếp tại UBND quận, huyện để nộp hồ sơ cấp GPXD. “Qua 3 năm triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp GPXD nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TPHCM, người dân đã ngày một quan tâm đến quy trình giải quyết này nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Quy trình thủ tục xin cấp GPXD nhà ở riêng lẻ trực tuyến vẫn tập trung nhiều nhất ở các quận ven như: Gò Vấp (cấp 1.198 GPXD/năm 2019) và Bình Tân (cấp 1.091 GPXD/năm 2019). Do đó, để tránh tốn kém và lãng phí chi phí đầu tư xây dựng dịch vụ công trực tuyến, các quận, huyện cần phải tích cực tuyên truyền để người dân biết” - ông Kiên nói.

Là quận có mật độ xây dựng lớn nhất TPHCM, huyện Nhà Bè hàng năm có bình quân 2.300 hồ sơ đề nghị xét duyệt. Nhưng theo ông Hà Minh Tân - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, số lượng hồ sơ xin cấp phép qua mạng mới chỉ đạt trên 30%.

Ông Tân cho biết: “Theo ghi nhận, đa số người dân không rành thủ tục nên thường chọn cách đến UBND huyện nộp trực tiếp và hỏi cán bộ phụ trách. Bên cạnh đó, hiện dù làm thủ tục trực tuyến nhưng người dân khi nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng trực tuyến cũng phải cầm bản gốc lên UBND huyện nộp nên họ chọn cách đến trực tiếp cho tiện”.

Cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa thủ tục hành chính

Theo quy trình, để nộp hồ sơ xin GPXD trực tuyến, người dân truy cập vào cổng thông tin điện tử của UBND quận, huyện, lựa chọn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp GPXD nhà ở riêng lẻ. Sau đó tạo lập tài khoản, cung cấp địa chỉ email, số điện thoại liên hệ rồi đăng nhập.

Hồ sơ đề nghị cấp GPXD qua mạng sẽ gồm tập tin chứa bản chụp đơn đề nghị cấp GPXD, và những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Tập tin còn có bản chụp bản vẽ thiết kế xây dựng đã được phê duyệt, như mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 - 1/500, kèm theo sơ đồ vị trí công trình; mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200…

Sau khi nộp hồ sơ trực tuyến, bộ phận một cửa điện tử sẽ kiểm tra, tiếp nhận. Nếu hồ sơ đủ, bộ phận này sẽ cấp biên nhận có mã số hồ sơ và ngày hẹn trả kết quả gửi đến chủ đầu tư qua email và tin nhắn điện thoại. Trong vòng một ngày làm việc, hồ sơ này sẽ được chuyển tới Phòng Quản lý đô thị để giải quyết. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ các thành phần, bộ phận một cửa điện tử phải thông báo ngay cho chủ đầu tư qua email và tin nhắn điện thoại để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ trong vòng 15 ngày, UBND quận, huyện sẽ cấp GPXD qua mạng cho người dân.

Quy trình là thế nhưng theo anh Lê Thanh Chuẩn (quận Thủ Đức) để hoàn thành đầy đủ bộ hồ sơ xin phép cũng đã mất khá nhiều thời gian trong việc chỉnh sửa, bổ sung giấy tờ. Chưa kể đã phải ít nhất một lần anh phải chạy lên chạy xuống UBND quận để nộp các bản gốc giấy tờ nhưng vẫn thiếu.

“Vẫn biết là việc thực hiện các thủ tục qua mạng tạo thuận lợi hơn cho người dân, giảm việc bị nhũng nhiễu, nhưng do thời điểm khởi công nhà gần kề, lại không rành về công nghệ nên sau hai tuần loay hoay với các yêu cầu tôi quyết định giao trọn gói dịch vụ cho một đơn vị làm với giá 12 triệu đồng để mình còn có thời gian làm chuyện khác” – anh Chuẩn chia sẻ.

Ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thông tin, để người dân mặn mà hơn với dịch vụ công trực tuyến, Sở đã yêu cầu các quận, huyện công bố rõ quy trình giải quyết thủ tục cấp GPXD qua cổng thông tin. Cùng với đó là chi tiết quy hoạch, quy chế quản lý về quy hoạch, thiết kế đô thị trên địa bàn… để người dân có thể biết được vị trí, địa điểm lô đất của mình thuộc chức năng quy hoạch nào; lộ giới, hẻm giới các tuyến đường tiếp giáp và hành lang, phạm vi bảo vệ các công trình bờ sông, kênh, rạch… để mà thực hiện các thủ tục pháp lý.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng ban đô thị HĐND TPHCM cho biết, việc tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ còn chừng mực cho thấy vẫn còn một số trở ngại, khó khăn. “Để dịch vụ thật sự hiệu quả, tiện ích, Sở Xây dựng cùng các quận, huyện cần phải tiếp tục cải tiến dịch vụ, giao diện trang web và ứng dụng trên điện thoại. Nhanh chóng đẩy nhanh công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về đô thị và đất đai, làm cơ sở cho phần mềm cấp GPXD. Qua việc sử dụng dịch vụ, người dân sẽ có cơ hội để xây dựng góp ý, phản ánh những hạn chế để chính quyền dần cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ” - ông Nhựt nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ