Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang "cố tình" thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng?

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang "cố tình" thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng?

Bắt cổ đông trở thành tay trắng...

Không chỉ riêng đơn của ông Lại Việt Hùng - cổ đông góp vốn, nguyên Trưởng phòng quản trị A của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH KD&CN Hà Nội) phản ánh đến Báo GD&TĐ về việc nhà trường không thực hiện chuyển đổi loại hình trường từ ĐH Dân lập sang ĐH Tư thục theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Báo GD&TĐ tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của cổ đông khác có vốn góp tại Trường ĐH KD&CN Hà Nội về việc nhà trường đang "cố tình" thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi chuyển đổi sang loại hình trường ĐH Tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Theo các cổ đông, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2109 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học chỉ quy định mô hình trường ĐH Tư thục và trường ĐH Tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Không có quy định nào về mô hình trường ĐH Tư thục vừa phi lợi nhuận lại vừa được trả cổ tức cho cổ đông dù núp dưới danh nghĩa "chi phí vốn", mô hình này không thể có giá trị pháp lý.

"Nhà trường phải trả lời cổ đông chúng tôi, tại sao phải nhất thiết chuyển thành ĐH Tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, mà không phải là ĐH Tư thục theo quyết định của Thủ tướng. Nếu thực hiện theo quyết định của Thủ tướng, cổ đông chúng tôi đang nghiễm nhiên được hưởng cổ tức, hưởng tài sản của trường và được pháp luật bảo hộ. Tại sao nhà trường lại bắt chúng tôi "trở thành tay trắng" khi chuyển sang phi lợi nhuận, biến cổ đông trở thành người góp vốn chỉ để nhận cổ tức - dưới danh nghĩa chi phí vốn, cái mà cổ đông đang được nhận một cách đàng hoàng khi là trường ĐH Tư thục. Vậy chuyển sang phi lợi nhuận để làm gì? Cổ đông được lợi ích gì hay chúng tôi sẽ chẳng được gì sau bao năm góp tiền xây dựng để trường như ngày hôm nay" - một cổ đông đặt câu hỏi.

Như Báo GD&TĐ đã thông tin, từ khi thành lập trường đến nay, Trường ĐH KD&CN Hà Nội hoạt động theo phương thức không vì lợi nhuận, các cổ đông được hưởng lợi tức cổ phần bằng lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Từ năm 2013 đến nay (theo Luật Giáo dục đại học), lợi nhuận được tính bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Ngày 3/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 671/QĐ-TTg cho phép chuyển đổi Trường ĐH KD&CN Hà Nội từ loại hình trường ĐH Dân lập sang loại hình trường ĐH Tư thục.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang "cố tình" thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng? ảnh 1
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi loại hình Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Sau khi Thủ tướng có quyết định chuyển đổi loại hình trường từ ĐH Dân lập sang ĐH Tư thục, nhiều vấn đề pháp lý đã được đặt ra đối với nhà trường, như: Điều lệ trường ĐH, xác định lại cơ cấu vốn điều lệ của trường theo hướng đề cao vai trò đối vốn của các cổ đông, thành lập Hội đồng trường đại diện cho các nhà đầu tư, bầu Ban kiểm soát, Ban Giám hiệu và xây dựng mô hình quản trị theo Luật Doanh nghiệp…

Tuy nhiên theo phản ánh của ông Laị Việt Hùng, đã hơn một năm sau khi có quyết định của Thủ tướng, đến nay Trường ĐH KD&CN Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì cơ chế cũ: Đó là hoạt động phi lợi nhuận theo Quy chế tổ chức và hoạt động năm 2016 và hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Phải để cổ đông biểu quyết

Liên quan đến những vấn đề nêu trên, Luật sư Lê Minh Thắng - Giám đốc Công ty Luật K và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Những gì đang diễn ra tại Trường ĐH KD&CN Hà Nội có thể xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong công tác thu - chi. Khó có thể chấp nhận việc các nhà đầu tư góp vốn thành lập trường lại không được hưởng lợi tức trong suốt quá trình từ khi thành lập trường đến nay. Sự lao tâm khổ tứ chỉ được đền đáp bằng lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng hay được tính bằng lãi suất trái phiếu chính phủ là sự thiếu công bằng; điều này khiến cho quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông - những ông chủ thực sự sẽ "tức đến cổ" do bị lạm dụng mà phát sinh tranh chấp, tiêu cực".

Theo Luật sư Thắng, khẩu hiệu "hoạt động phi lợi nhuận" dường như đã không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông, việc Thủ tướng Chính phủ ra QĐ số 671/QĐ-TTg cho phép chuyển đổi Trường ĐH KD&CN Hà Nội sang loại hình trường ĐH Tư thục đã đặt dấu chấm hết cho cái phi lợi nhuận đã và đang làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư.

"Để bảo vệ được đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông tại Trường ĐH KD&CN Hà Nội thì phải để chính các cổ đông lên tiếng và tự định đoạt số phận của mình bằng biểu quyết theo tỷ lệ vốn góp chứ không thể thông qua các cơ quan đại diện, vì nếu thông qua cơ quan đại diện như vậy sẽ khiến các cổ đông vô hình chung trở thành các "ông chủ bất đắc dĩ" – Luật sư Lê Minh Thắng phân tích.

Để làm rõ những phản ánh nêu trên của bạn đọc, Báo GD&TĐ đã liên hệ với Trường ĐH KD&CN Hà Nội nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía nhà trường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ