Trường học lo cây đổ

Trường học lo cây đổ

Khoảng 6h20 ngày 26/5, cây phượng cổ thụ đổ trong trường THCS Bạch Đằng, TP HCM, đè 18 học sinh, khiến một em tử vong và nhiều em khác bị thương nặng. Trước đó vài tiếng, khoảng 10h tối 25/5, một cây xà cừ lâu năm, vẫn xanh tốt đổ xuống sân trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội sau trận mưa to kèm gió lớn. Hiệu phó Đặng Văn Dũng hốt hoảng khi nghe tin nhưng rất may cây đổ lúc tối, lại đổ xuống sân trường nên không gây thiệt hại gì.

Trường THPT Trương Định có 30 cây lớn, nhỏ ở khắp khuôn viên rộng 9.300 m2. Các loại cây gồm xà cừ, bằng lăng, bàng, keo, hoa sữa và một cây bồ đề, tạo bóng mát cho cả sân trường, giúp học sinh thoải mái vui chơi, học tập. Những cây xà cừ to được trồng cách đây hơn 40 năm, từ những ngày đầu thành lập trường (năm 1976), những cây khác chừng hơn 10 năm.

Khuôn viên xanh mát là mơ ước của nhiều trường, nhưng từ năm 2016 đến nay, hơn 10 cây đã đổ khiến thầy Dũng và thầy trò trường Trương Định nơm nớp lo sợ. "Trường Trương Định xuống cấp trầm trọng, có dãy nhà đã bị nghiêng. Chưa dám nghĩ cây đổ đè phải giáo viên, học sinh, nó đổ vào các tòa nhà vốn bị sụt lún cũng có thể gây hậu quả lớn", thầy Dũng nói.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng cây đổ nhiều ở trường Trương Định là trường nằm ở phường Tân Mai - vùng trũng của Hà Nội. Hệ thống thoát nước không tốt, sân trường lại thấp hơn hệ thống cống ở khu dân cư bên cạnh. Chỉ cần trận mưa vừa, trường sẽ ngập đến nửa bánh xe. Nước đọng lâu ngày ở sân trường khiến rễ cây bị úng, hỏng và dễ bật gốc.

Dù nhận thấy rủi ro, thầy Dũng cho rằng cây xanh rất cần thiết trong trường học và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể trồng được một cây cho bóng mát rộng. Vì vậy, nhà trường phải kiểm tra thường xuyên để loại bỏ nhưng cây nguy hiểm, nhưng việc này cũng không đơn giản bởi chỉ quan sát được phần trên mà khó kiểm tra được phần rễ.

Trường cũng không tự ý đốn hạ cây nào bởi năm ngoái UBND thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng, cải tạo trường sau khi ngôi trường này bị sụt lún nghiêm trọng. Số cây trong trường sẽ do đơn vị chức năng quyết định khi dự án được thực hiện.

Để giảm thiểu khả năng cây đổ, trường Trương Định thường thuê đơn vị bên ngoài kiểm tra, chăm sóc, tỉa bớt cành cây hàng năm. "Công tác này được thực hiện định kỳ và làm khá tốt. Nếu không, với tình trạng ngập úng của trường hiện nay, có lẽ số cây bị đổ trong trường nhiều hơn", thầy Dũng nói.

Sắp tới, nếu trường được xây lại, thầy Dũng mong muốn bên đơn vị thiết kế, xây dựng lưu ý việc lựa chọn cây xanh phù hợp với trường học, tạo được bóng mát cho khuôn viên nhưng không gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên.

Trường học lo cây đổ ảnh 1

Khuôn viên rợp cây xanh của trường THPT Quốc học. Ảnh: Võ Thạnh.

Nằm bên sông Hương, trường THPT Quốc học là một trong những ngôi trường có nhiều cây xanh nhất ở Thừa Thiên Huế. Khuôn viên trường có hơn 100 cây, trong đó có nhiều cây vài chục năm tuổi, có cây hơn 100 năm. Với hệ thống cây xanh dày đặc, khuôn viên trường luôn được phủ bóng mát. Học sinh thường tìm đến hàng ghế đá đặt dưới các gốc cây ngồi học bài, trò chuyện trong giờ ra chơi.

Số lượng cây lớn khiến trường THPT Quốc học phải chăm lo thường xuyên bởi nhận thấy rủi ro tiềm ẩn. Ông Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Quốc học, cho biết đã rà soát kiểm đến các cây xanh cổ thụ trong sân trường. Trước mùa mưa bão, các cây cổ thụ, nhiều cành to có nguy cơ gãy đổ đều được công nhân cây xanh Huế cắt tỉa.

"Mấy tháng trước, trường cũng hạ 3 cây cổ thụ có nguy cơ đổ sập. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhờ chuyên gia cây xanh về đánh giá, khảo sát cây xanh của nhà trường xem cây nào cần chặt bỏ", ông Thọ nói, mong các trường học không gặp phải sự cố như ở trường THCS Bạch Đằng hôm 26/5.

Cách trung tâm TP Huế 20 km, trường tiểu học Thủy Phù (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) trồng nhiều cây bàng, xà cừ. Nhiều năm qua, hệ thống cây xanh này đã phủ bóng mát cho gần 400 học sinh tiểu học trong giờ ra chơi.

Hiệu trưởng Phan Hữu Tùng cho biết, nhà trường rất lo lắng sau sự cố ở TP HCM. "Trường không trồng phượng trong khuôn viên song cũng kiểm tra lại hệ thống cây xanh để xem cây nào có triệu chứng thối gốc để chặt bỏ. Các cành to có nguy cơ gãy đều được cắt tỉa", thầy Tùng nói.

Những hàng cây cổ thụ tạo bóng mát trong sân trường Tiểu học Thủy Phù. Ảnh: Võ Thạnh.

So với cả nước, các trường học trên địa bàn Thừa Thiên Huế có nhiều cây xanh trong khuôn viên hơn. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết nhiều năm qua, các trường cũng chủ động cắt tỉa cành, chặt bỏ các cây cổ thụ có nguy cơ gãy đổ. "Gần nhất là tháng 3, Sở đã gửi công văn về các trường yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh cổ thụ. Đến nay, mốt số trường đã cắt tỉa, chặt bỏ các cây xanh cổ thụ có nguy cơ cao gãy đổ, cắm biển báo các công trình xuống cấp, có nguy cơ đổ sập", ông Tân nói.

Trước đó chiều 26/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh kiểm kê, xử lý cây nguy hiểm, có thể gãy đổ trong trường học. Hàng loạt địa phương đã có công văn yêu cầu các trường rà soát hệ thống cây xanh, tăng cường chăm sóc, cắt tỉa như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương.

Sau tai nạn ở trường THCS Bạch Đằng (TP HCM), liên tiếp các cây phượng ở Đăk Lăk và Bình Dương đổ trong sân trường. Theo PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp), cây phượng sinh trưởng nhanh, thân và cành rất mềm, dễ bị mục ruỗng. Đặc biệt, rễ cây ăn nổi, dễ bị hỏng khi trồng và bảo vệ không đúng cách. Vì vậy, chỉ khoảng 30 năm, cây thường có vấn đề về gốc rễ, dễ bật gốc.

"Không phải chỉ cây phượng, với cách trồng, lát sân trường, xây bồn bảo vệ cây sai cách như ở nhiều trường hiện nay, bất kỳ cây nào cũng có nguy cơ bị bật gốc", ông Hà nói.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ