Từ “cống hiến xanh” đến giải thưởng Kovalevskaia

Từ “cống hiến xanh” đến giải thưởng Kovalevskaia

Nghiên cứu khoa học để tìm sự bình an

Sinh ra ở vùng quê miền núi Con Cuông của xứ Nghệ, dường như PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã ngấm trong mình tình yêu núi rừng ngay từ thuở nhỏ. Lớn lên, con đường học tập và lập nghiệp của chị vì thế cũng gắn liền với lâm nghiệp như một mối duyên định hết sức tự nhiên.

Học ngành lâm sinh của trường đại học Nông nghiệp 3 (nay là trường ĐH Nông Lâm, ĐHTN), chị là sinh viên duy nhất nhận học bổng DAAD của Đức. Tốt nghiệp ra trường, chị tự học ngoại ngữ và được làm việc tại các tổ chức nước ngoài như FAO, CARE, UNDP, GTZ… Học thạc sỹ tại ĐH Nông nghiệp Na Uy, nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sỹ năm 2007 tại ĐH Quốc gia Australia, chị đứng trước nhiều cơ hội làm việc tại những môi trường học thuật hàng đầu thế giới.

Vậy nhưng, với sự thấu hiểu về mối quan hệ hữu cơ giữa con người với môi trường sinh thái, với niềm trăn trở đau đáu về vấn đề sinh kế gắn liền với rừng của người dân miền núi, chị đã quay trở lại trường ĐH Nông Lâm (ĐHTN) để theo đuổi mong mỏi “cống hiến xanh” của mình.

Được theo đuổi đam mê khoa học, chị đã dành tâm sức cho những đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn cao, như: Chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp; nhân giống và nuôi trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống, bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý bản địa; nghiên cứu chính sách lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững, tác động của chính sách đổi mới đến cộng đồng vùng cao…

Từ “cống hiến xanh” đến giải thưởng Kovalevskaia ảnh 1

“Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp là một điển hình trong phát triển doanh nghiệp khoa học mô hình tự chủ. Trong đó, với vai trò Viện trưởng, đóng góp của PGS.TS Trần Thị Thu Hà là rất quan trọng.

PGS Hà là một tấm gương nhà giáo - nhà quản lí - nhà nghiên cứu tâm huyết, dấn thân vì nghề, đặc biệt là mong muốn cống hiến cho sự phát triển của các địa phương miền núi vùng sâu vùng xa.

Giải thưởng dành cho PGS Hà có ý nghĩa lớn về thành tựu khoa học, đồng thời còn có ý nghĩa trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của nhà trường. Đây là một sự động viên khích lệ kịp thời và xác đáng cho người làm khoa học, đặc biệt các nhà khoa học nữ”.

PGS.TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm (ĐHTN)

Cho đến nay, PGS.TS Trần Thị Thu Hà là chủ nhiệm của 8 nghiên cứu sáng chế được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sở hữu trí tuệ, 12 sản phẩm giống dược liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ và đưa vào sản xuất kinh doanh.

Đây đều là những công trình hướng đến phục vụ sinh kế bền vững cho người dân vùng miền núi. Các sản phẩm, giống cây từ những nghiên cứu của chị càng trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh vấn đề công nghiệp hóa thời hiện đại kéo theo những nguy cơ về sinh thái, môi trường, sức khỏe, cuộc sống con người.

“Các vùng quê miền núi cao có quá nhiều khó khăn đặc thù, cho nên quá trình đổi mới và phát triển thực sự không hề dễ dàng. Tôi luôn mong muốn góp được một điều gì đó, chí ít cũng là những màu xanh” - chị Hà bộc bạch.

Những chuyến đi vất vả xuyên ngày đêm khắp các tỉnh miền núi xa xôi, những áp lực thất bại vì môi sinh hay thời tiết…, tất cả chưa bao giờ khiến chị nản lòng. Ngược lại, nó vừa là những trải nghiệm thực tế, vừa là động lực để chị tìm thấy những giá trị ý nghĩa trong hành trình dấn thân của mình.

“Tôi không lo sợ hay mệt mỏi, mặc dù phải thừa nhận là rất nhiều khó khăn. Được nghiên cứu khoa học và gắn với lĩnh vực lâm sinh mà mình theo đuổi là tôi vui rồi. Công việc chuyên môn thuần túy đem lại cho tôi sự bình an” - nhà khoa học chia sẻ một cách bình dị.

Làm doanh nghiệp khoa học để hỗ trợ sinh kế cho khu vực miền núi

Năm 2008, sau khi tu nghiệp trở về nước, chị trở lại công tác tại trường ĐH Nông Lâm (ĐHTN), vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, đồng thời bắt đầu “gánh thêm” vai trò quản lí. Là người sáng lập, đứng đầu Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, chị quyết định phát triển đơn vị theo mô hình tự chủ tự chịu trách nhiệm.

Là một phụ nữ, lại là người làm chuyên môn khoa học, đây là sự quyết định dũng cảm và quyết đoán mà chị đã lựa chọn, đúng như cá tính con người của chị.

Tưởng rằng chỉ tồn tại được đã là khó khăn, nhưng thật đáng trân trọng khi Viện không những trụ vững và phát triển, mà còn có những đóng góp quan trọng cho nhà trường, cho cộng đồng.

Cho đến nay, Viện đã nghiên cứu lai tạo thành công hơn 80 loại giống cây, chuyển giao cho nhiều tỉnh miền núi trong cả nước. Đáng chú ý, Viện còn mở được các cơ sở thực nghiệm, các doanh nghiệp khoa học để phối hợp và phục vụ các địa phương như Quảng Ninh, Quảng Nam, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa…

Từ “cống hiến xanh” đến giải thưởng Kovalevskaia ảnh 2
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (áo đỏ) 

Chị và các cộng sự tập trung vào điều tra thu thập các giống cây dược liệu và lâm quý có giá trị cao nhưng đối mặt nguy cơ tuyệt chủng, từ đó tiến hành nghiên cứu lai tạo, nhân giống, chuyển giao để phát triển phù hợp đặc thù và thế mạnh của mỗi địa phương. Hiện, các sản phẩm cây giống mà Viện nghiên cứu đã được triển khai ứng dụng tại 25 tỉnh thành trên cả nước.

Không chỉ đáp ứng vấn đề kinh tế xã hội, các dự án của Viện khi ứng dụng đã giúp các địa phương giải quyết tốt câu chuyện nhân lực khi mở ra cơ hội và môi trường làm việc cho nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc, nhiều kỹ sư còn đang thất nghiệp. Đặc biệt, là người quản lí, chị Hà luôn ưu tiên cho những bạn trẻ là nữ, là người dân tộc thiểu số. Đó cũng là một lí do để chị theo đuổi hướng nghiên cứu lâm sinh ứng dụng của mình.

Đáng mừng hơn nữa, nhiều bạn trẻ sau khi làm việc ở các trung tâm, cơ sở nghiên cứu ứng dụng của PGS.TS Trần Thị Thu Hà, đã có nền tảng để tiếp tục phát triển, khởi nghiệp. Một số bạn trẻ đã lập ra doanh nghiệp riêng, thành công ở một số mảng chuyên sâu về tách chiết tinh dầu hoa hồng, dược liệu, mật ong…

Hạnh phúc trước những sự tiếp nối đó, chị Hà tâm sự: “Thực ra, phải nói rằng làm doanh nghiệp khoa học là vô cùng khó khăn, nhất là mô hình tự chủ như chúng tôi thì càng nhiều áp lực. Nhưng được làm việc cùng những trí thức trẻ miền núi, chúng tôi thấy rất vui, vừa thấu hiểu và vừa trân trọng họ”.

Giải thưởng Kovalevskaia trao cho nhà khoa học nữ xuất sắc là sự vinh danh xứng đáng cho cả quá trình tích lũy bền bỉ, kiên trì, hiệu quả của một giảng viên, một nhà quản lí, một nhà nghiên cứu trách nhiệm và dấn thân, tài năng và bản lĩnh.

Chia sẻ khi nhận giải thưởng, chị bày tỏ quan điểm của mình: “Giải thưởng này tạo cho tôi và những người làm khoa học niềm tin để tiếp tục dấn thân, cống hiến. Đồng thời, nó cũng nhắc tôi thấy bản thân cần phải trách nhiệm sâu sắc hơn nữa trong công việc của mình”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ