Tuyên Quang: Những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu

Tuyên Quang: Những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu

Trong những năm qua, các phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" được ngành Giáo dục Tuyên Quang phát động gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo nhà giáo hưởng ứng, tham gia. 

Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy cô giáo say mê học tập, nghiên cứu, truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh, luôn đồng hành cùng các em trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống.

Cô giáo đam mê nghiên cứu, sáng tạo

Cô Trần Thị Nga, giáo viên môn Công nghệ, trường THPT Sơn Dương hiện đang sở hữu một "bộ sưu tập" sản phẩm đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cấp toàn quốc: từ năm 2009 đến năm 2019 cô đã 14 lần được nhận giải thưởng cấp tỉnh (trong đó có 6 giải Nhất), 7 lần được nhận giải thưởng cấp toàn quốc cho những sản phẩm và dự án mà cô nghiên cứu và hướng dẫn học sinh nghiên cứu. 

Năm 2016, sản phẩm Hệ thống hút và xử lý dầu tràn do cô hướng dẫn học sinh nghiên cứu đạt giải Nhất tại Giải thưởng sáng tạo xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức. 

Năm 2017, sản phẩm Hệ thống lọc nước đa năng do cô hướng dẫn đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Nhì cấp toàn quốc tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. 

Nhiều dự án có tính ứng dụng cao như: Điều hòa ô tô 2 chiều, Máy gieo hạt đa năng, Máy chăm sóc mía đa năng, Máy tuốt lạc, Hệ thống lọc nước đa năng,... đã đem lại cho cô những thành công không nhỏ trên hành trình "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" của mình. Cô đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hai lần được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành và các cấp.

Với niềm đam mê sáng tạo và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình nghiên cứu, cô Trần Thị Nga vẫn đang ấp ủ những ý tưởng mới. Cô đã trở thành tấm gương và niềm tự hào của đồng nghiệp và học sinh trường THPT Sơn Dương.

Người thầy truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh

Thầy Nguyễn Trung Kiên là giáo viên môn Kĩ thuật - Công nghệ, trường THPT Thái Hòa. Những năm gần đây, nhiều dự án do thầy nghiên cứu và hướng dẫn học sinh nghiên cứu được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao. 

Năm 2015, với thành công của dự án "Thiết bị dạy học điều khiển mạch điện dân dụng ứng dụng công nghệ cao" đạt giải Ba tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kĩ thuật tỉnh Tuyên Quang, thầy vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Tuyên Quang: Những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu ảnh 1
Thầy Nguyễn Trung Kiên (ngoài cùng bên phải) cùng các em học sinh nhận Bằng khen tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia năm 2020 

Những năm tiếp theo, thầy liên tục gặt hái thành công khi hướng dẫn học sinh nghiên cứu các dự án tham gia cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học: Dự án "Hệ thống điều khiển mạng điện gia đình thông qua router wifi và smastphone" đạt giải Nhì cấp tỉnh (năm 2016); Dự án "Hệ thống cảnh báo và ngăn chặn nguy hiểm ở các cầu tràn khu vực miền núi" đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp Quốc gia (năm 2018); Dự án "Hệ thống báo hiệu và ngăn chặn nguy cơ làm mất an toàn giao thông trên những chiếc đò ngang" đạt giải nhất cấp Tỉnh, giải Nhì cấp Quốc gia (năm 2019).

Gần đây nhất, dự án "Hệ thống kiểm tra, báo hiệu và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn giao thông do nồng độ cồn của tài xế và sự thiếu kiểm soát số người trên xe ô tô" do thầy hướng dẫn tiếp tục đạt giải Nhất cấp tỉnh và Giải Nhì cấp Quốc gia năm 2020.

Từ những ý tưởng sáng tạo và quá trình miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, những thành công của thầy Nguyễn Trung Kiên thực sự đã truyền cho đồng nghiệp và các thế hệ học sinh của nhà trường cảm hứng sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu, vận dụng tri thức vào cuộc sống.

Cô giáo, người mẹ thứ hai của các em học sinh

Cô Lê Thị Trường là giáo viên môn Vật lý của trường THPT Xuân Huy, huyện Yên Sơn. Sau hơn 20 năm gắn bó với ngôi trường này, nhiều thế hệ học sinh của cô đã trưởng thành. Ngoài giờ dạy trên lớp, cô luôn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ các em học sinh nghiên cứu, vận dụng kiến thức để tạo ra các sản phẩm phục vụ cuộc sống.

Năm học 2018-2019, sản phẩm Máy diệt khuẩn đa năng do cô hướng dẫn đạt giải Ba cấp tỉnh tại cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học; năm học 2019-2020, sản phẩm Máy ấp trứng gia cầm mini cũng đạt Giải tiềm năng tại cuộc thi này.

Không chỉ say mê nghiên cứu, sáng tạo, cô còn là một giáo viên chủ nhiệm  hết lòng vì học sinh. Năm học 2016-2017, lớp 11 do cô chủ nhiệm có em Hoàng Đức Nghĩa chuyển từ Hà Giang về, có hoàn cảnh khá đặc biệt: bố mẹ ly hôn, em ở với mẹ, nhưng mẹ em lại đi làm cho một công ty ở Bắc Giang. 

Ở nhà một mình, Nghĩa thường xuyên bỏ học, nghiện chơi điện tử. Nhiều lần khuyên bảo không được, cuối cùng cô quyết định đưa Nghĩa về ở cùng với gia đình mình. Từ đó cho đến hết lớp 12, cô nuôi em ăn, ở, dạy bảo em học tập và rèn luyện. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp THPT, em đã vào học Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ.

Lớp học sinh cũ ra trường, cô lại tiếp tục chủ nhiệm mới. Trong lớp 10 của cô, em Đinh Tùng Dương là học sinh lưu ban, cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Bố mất khi mới 7 tuổi, Dương ở với ông bà nội già yếu, mẹ đi làm xa. Rồi bà nội mất, em thường xuyên bỏ nhà, bỏ học đi chơi điện tử. Thương Dương, cô đã động viên em và thuyết phục gia đình, đưa em về nhà mình nuôi dưỡng và kèm cặp, dạy bảo đến hết lớp 10. 

Tuyên Quang: Những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu ảnh 2
Cô Lê Thị Trường, giáo viên trường THPT Xuân Huy trong giờ lên lớp

Năm học 2019-2020, gia đình cô chuyển nhà lên km 24 (đường Tuyên Quang - Hà Giang), do nhà quá xa trường nên em về ở với chú ruột. Dù vậy, cô vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Dương, thường xuyên động viên, nhắc nhở em học tập trên lớp và trao đổi với chú và mẹ của Dương để bảo ban em lúc ở nhà. Cô hay dành những món quà nhỏ để giúp đỡ về vật chất và động viên tinh thần để em tiến bộ hàng ngày.

Tâm huyết với nghề, với trò, song cô Trường cũng là một người vợ, người mẹ đảm đang, chu toàn, nuôi dạy con cái trưởng thành. Con trai cả của cô là cựu sinh viên Đại học Bách khoa, nay đã có công ăn việc làm ổn định; con trai thứ hai học tại Học viện Kỹ thuật quân sự và đang làm thủ tục để đi du học tại Nga. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, thực hiện sứ mệnh trồng người cao cả, cô giáo Lê Thị Trường đã và đang là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Đồng hành, giúp đỡ, sẻ chia cùng các em học sinh, mỗi mùa đông đến, mỗi dịp Tết về, các thầy cô lại quyên góp tiền, chăn ấm, quần áo, đồ dùng tặng học sinh nghèo; tại nhiều trường học, các thầy cô dạy ôn tập, phụ đạo không thu tiền, giúp học sinh nghèo tiền đóng học phí; ủng hộ, giúp đỡ các em khi gặp hoạn nạn, khó khăn (THPT Xuân Huy, PTDTNT THPT tỉnh, THPT Chuyên, THPT Phù Lưu, THPT Minh Quang…).

Trên khắp mọi miền của quê hương Tuyên Quang, còn biết bao thầy cô vẫn đang gắn bó với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miệt mài, thầm lặng cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người. 

Có thể họ chưa được biểu dương, tôn vinh, nhưng tấm lòng, tình cảm của họ còn mãi trong tâm trí của lớp lớp học trò, và đó là vinh dự dành riêng cho nghề dạy học - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ