Tỷ phú Roman Abramovich: Hành trình đến quyền lực ở Chelsea

Tỷ phú Roman Abramovich: Hành trình đến quyền lực ở Chelsea

Mồ côi khi chưa đầy 3 tuổi

Theo thống kê của Forbes, Roman Abramovich nằm trong top 20 người giàu nhất thế giới năm 2019. Tuy nhiên, tỷ phú này không phải con nhà dòng dõi cao sang mà đi lên từ con số không.

Bà Irina Michalenko (mẹ của tỷ phú người Nga) cùng chồng sống ở Syktyvkar nhưng đã quyết định sinh con ở Saratov, quê hương của nhiều nhà văn tài ba. Vào năm 1966, cậu bé kháu khỉnh có tên Roman Abramovich ra đời. Bà Irina tin rằng, con trai của mình sẽ có tương lai tươi sáng ở Saratov.

Tuy nhiên, may mắn không đến với Roman. Khi mới chỉ 18 tháng tuổi, cậu bé đã rơi vào cảnh mất mẹ khi bà Irina qua đời vì sơ suất của bác sĩ trong quá trình phá thai. Chỉ ít tháng sau đó, tai họa tiếp tục giáng xuống đầu Roman khi bố của ông, Arkady Abramovich cũng qua đời vì tai nạn lao động. Roman mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa đầy 3 tuổi.

Rất may là Roman đã được người bác có tên là Leib cưu mang. Ông đã đưa cậu bé tới Ukhta, một khu công nghiệp cách thủ đô Maxcơva hơn 1.000km về phía Đông Bắc. Cuộc sống khá giả của người bác đã giúp Roman được ăn học đầy đủ. Thậm chí, cậu bé là người đầu tiên trong lớp sở hữu những món đồ xa xỉ thời đó như cassette hay quần jeans.

Bước chân vào đại học năm 16 tuổi nhưng Roman bị gọi nhập ngũ khi chưa kịp tốt nghiệp Học viện Công nghiệp Ukhta. Chàng thanh niên trẻ đã phục vụ quân đội trong 2 năm. Đó cũng là giai đoạn giúp Roman rèn luyện bản lĩnh vượt khó. Xuất ngũ, Roman lại gia nhập Học viện Vận tải Moscow nhưng cũng dở dang. Cậu sinh viên rời ghế nhà trường sau 4 năm không bằng cấp và chỉ còn biết tập trung vào mục tiêu làm giàu sớm nhất có thể.

Nhạy bén trong kinh doanh

Với dòng máu Do Thái chảy trong huyết quản, Roman đã sớm thể hiện sự nhanh nhạy và thông minh. Ngay từ nhỏ, cậu đã dành sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực kinh doanh. Roman từng âm thầm tuồn hàng từ xưởng gỗ nhà bác Leib ra chợ đen để ăn chênh lệch. Các khu chợ nhẵn mặt Roman bởi cậu bé buôn mọi thứ có thể kiếm ra tiền.

Ban đầu, Roman chỉ mua những sản phẩm như xì gà hay quần jeans để bán cho bạn bè kiếm lợi. Thậm chí, chàng thanh niên này còn thể hiện khả năng kinh doanh ngay trong thời gian quân ngũ. Cơ hội đến với Roman khi nước Liên Xô bắt đầu cởi mở hơn với kinh doanh tư hữu và đổi mới chính sách thuế cuối thập niên 1980. Với toàn bộ vốn liếng tiết kiệm từ các công việc lao động trước đó, chàng thanh niên mở công ty đồ chơi bằng nhựa ngay tại căn hộ mình ở và bán lấy lãi tối thiểu.

Lợi nhuận tuy nhỏ nhưng Roman dần bộc lộ khiếu kinh doanh xuất sắc. Vài năm trôi qua, doanh nhân Nga nhận ra đến lúc cần làm ăn lớn hơn. Cậu bé mồ côi ngày nào chỉ thực sự kiếm được những món tiền lớn khi Liên Xô tan rã.

Dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, các cuộc cải cách kinh tế được đẩy mạnh trong khi các nhà thi hành luật pháp lại không theo kịp với thực tiễn cuộc sống. Đó cũng là giai đoạn “hái ra tiền” của những người nhanh nhạy về kinh doanh như Roman. Thoát kiếp “cò con”, ông đã mua những thùng dầu thô Liên Xô giá rẻ đầu tiên trong thời kỳ nhá nhem rồi bán ra, thu về những đồng USD đầy quyền lực. Việc làm ăn đó buộc ông phải xây dựng cho mình những quan hệ trong giới chính trị.

Tỷ phú Roman Abramovich: Hành trình đến quyền lực ở Chelsea ảnh 1
Sự nhạy bén trong kinh doanh đưa Abramovich trở thành tỷ phú.

Roman đã kết thân với Boris Berezovsky, tay tài phiệt thân tín của gia đình Yeltsin. Vào năm 1995, ở tuổi 29, ông và Berezovsky chung vốn mua 51% công ty dầu mỏ nhà nước Sibneft với phí chuyển nhượng ước tính khoảng 200 triệu USD. Giá cổ phiếu của Sibneft tăng vọt mang lại gia tài cho Roman và các cộng sự. Sau này, khi bán lại 73% cổ phần tại Sibneft cho tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom, ông đã thu về 13 tỷ USD.

Bên cạnh việc là biểu tượng doanh nhân nổi bật bậc nhất xứ sở Bạch Dương, Roman Abramovich còn là bạn thân thiết của Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Bóng đá không phải kinh doanh

Roman Abramovich có đầu óc nhanh nhạy với kinh doanh. Nhưng với bóng đá, ông không coi đó là quyết định đầu tư mà chỉ là đam mê. Vào tháng 6/2003, tỷ phú người Nga quyết định mua lại Chelsea từ Ken Bates với mức giá khoảng 140 triệu bảng. Gần như ngay lập tức, ông đã đổ tiền vào Stamford Bridge, đưa The Blues trở thành thế lực lớn ở đảo quốc sương mù.

Trước kỷ nguyên của Abramovich, Chelsea chỉ duy nhất 1 lần vô địch bóng đá Anh (năm 1955). Nhưng kể từ sau đó, đội bóng áo xanh thủ đô London đã 5 lần đăng quang Premier League. Ngoài ra, họ còn sở hữu 2 danh hiệu lớn ở cúp châu Âu là Champions League và Europa League.

Dưới sự đầu tư của Abramovich, Chelsea đã thâu tóm rất nhiều ngôi sao lớn của bóng đá thế giới. Hiện tại, The Blues làm ăn tính toán hơn. Họ đã tự chủ về tài chính nhưng công sức của tỷ phú người Nga là rất lớn. Nói về quyết định mua Chelsea, ông nói: “Mục tiêu là giành chiến thắng, không phải tiền bạc. Tôi có nhiều cách đầu tư ít rủi ro hơn mua một CLB bóng đá. Tôi không muốn ném tiền của mình qua cửa sổ. Nhưng đây thực sự là niềm vui với thành công và những danh hiệu”.

“Bóng đá là sở thích, không phải đầu tư tài chính”. Đó là khẳng định của Roman Abramovich và cũng là lý do khiến ông mua lại Chelsea từ Ken Bates. Với tham vọng của mình, tỷ phú người Nga đã chi rất nhiều tiền của vào sân Stamford Bridge, biến Chelsea trở thành thế lực lớn ở Premier League nói riêng và châu Âu nói chung. Cũng từ đó, lịch sử Chelsea đã sang trang mới. Họ rất thành công dưới triều đại Abramovich khi giành nhiều danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có cả danh hiệu Champions League, Europa League và 5 chức vô địch Premier League. Tỷ phú người Nga đã trở thành nhân vật rất đặc biệt ở Stamford Bridge. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ