Vì sao nên kết hôn và sớm sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao nên kết hôn và sớm sinh con trước 30 tuổi?

Trong đó, nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi và thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân thu hút được sự quan tâm rất lớn của xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, BSCKI. Nguyễn Tiến Công – Trưởng khoa Sản thường, Phó Giám đốc Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho rằng: Việc khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con là hoàn toàn có căn cứ khoa học, đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như tinh thần cho các cặp vợ chồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc của mỗi gia đình.

Thời điểm phù hợp nhất để có thai

Các nghiên cứu chỉ ra rằng thời điểm có thai phù hợp nhất với hầu hết phụ nữ là 20-30 tuổi. Ở độ tuổi này, khả năng có thai của phụ nữ cao hơn và ít sẩy thai/thai lưu. Sau 35 tuổi, đa số phụ nữ khó có thai và khi có thai hay gặp các biến chứng, tai biến sản khoa.

Vì sao nên kết hôn và sớm sinh con trước 30 tuổi? ảnh 1
Dự trữ buồng trứng và khả năng sinh sản ở phụ nữ suy giảm dần theo độ tuổi (BVCC).

Sau 40 tuổi, khả năng mang thai càng khó hơn và các bất thường, dị tật ở thai nhi cũng tăng lên. Ngoài ra, thai phụ còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ như biến chứng đái đường, tăng huyết áp, tiền sản giật, biến chứng khi đẻ như chảy máu do khả năng co hồi tử cung kém,... Hiếm phụ nữ nào có thai tự nhiên và giữ được thai sau tuổi 45.

Tại Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận nhiều trường hợp thai phụ lớn tuổi và tỷ lệ gặp các vấn đề khi mang thai, sinh con ở những thai phụ này cao hơn nhiều so với những trường hợp sinh con ở độ tuổi dưới 35. 

Điển hình phải kể đến trường hợp chị L.T.H.H (40 tuổi, trú tại phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Mặc dù đã được cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn khi mang thai lớn tuổi song chị lại chủ quan và bỏ qua những dấu hiệu về bệnh lý tiền sản giật.

Sau khi được đưa đến Trung tâm Sản Nhi làm thủ tục sinh, sản phụ H. bắt đầu xuất hiện cơn sản giật, toàn thân co giật liên tục, tinh thần hoảng loạn, khó thở, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn. 

Ngay lập tức, một ê kíp bao gồm các bác sĩ của khoa Sản thường, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, khoa Hồi sức sơ sinh và kíp gây mê đã được huy động, thực hiện đồng thời việc phẫu thuật cấp cứu lấy thai nhi và cấp cứu ngừng tuần hoàn cho sản phụ. 

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của cả ê kíp, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, em bé chào đời khỏe mạnh. Sản phụ H. vượt qua cơn nguy hiểm và được chuyển về điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của cả hai mẹ con chị H. ổn định và được chỉ định ra viện.

Khả năng sinh sản suy giảm theo độ tuổi

Theo các chuyên gia, khả năng sinh sản ở cả nam và nữ đều suy giảm theo độ tuổi. Qua thời gian từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ cho tới khi trưởng thành, buồng trứng của phụ nữ chỉ suy giảm dần, không sinh thêm. 

Khoa học đã chứng minh, số lượng nang noãn trong buồng trứng cao nhất là lúc thai nhi giới tính nữ nằm trong bụng mẹ (3-4 tháng tuổi thai). Sau đó, số lượng nang noãn này giảm dần cùng với sự phát triển thể chất của bé gái.

Khi còn là trẻ sơ sinh, hai buồng trứng của bé gái có khoảng một triệu nang noãn và số lượng này liên tục giảm dần do nang noãn tự thoái hoá. Đến tuổi dậy thì (khoảng 13 tuổi), buồng trứng có thể bắt đầu rụng trứng (phóng noãn). 

Mỗi tháng, ước tính có khoảng trên 500 nang noãn đi ra khỏi kho chứa noãn để tiếp tục phát triển, để cuối cùng có một nang noãn trưởng thành và rụng trứng. Ngoài ra, rất nhiều nang noãn khác vẫn tiếp tục thoái hoá.

Có thể thấy, nang noãn giảm dần cả về số lượng và chất lượng theo độ tuổi của người phụ nữ. Noãn để lâu quá cũng hư hao theo thời gian. Cho đến thời điểm mãn kinh, 2 buồng trứng còn trên dưới 1.000 nang noãn nhưng chất lượng quá kém, không thể sử dụng. Do đó, phụ nữ rất khó và không thể sinh con trong độ tuổi trung niên, mãn kinh.

Cho đến nay, người ta chưa tìm ra cơ chế làm tăng số lượng hay cải thiện chất lượng nang noãn. Mọi biện pháp bao gồm cả kích thích buồng trứng chỉ tối đa hoá hiệu quả sử dụng số nang noãn còn lại của buồng trứng, chứ không làm buồng trứng tốt lên

Ở nam giới, mặc dù tinh trùng được tái tạo liên tục nhưng khả năng sinh sản cũng suy giảm theo độ tuổi. Lượng tinh dịch, số lượng tinh trùng và khả năng vận động của tinh trùng, khả năng quan hệ tình dục cũng bị ảnh hưởng khi tuổi càng cao, đặc biệt với những người thường xuyên chịu áp lực công việc cao hay sử dụng chất kích thích. 

Ngoài ra, nếu nam giới sinh con ở độ tuổi trên 45 thì thai nhi có nguy cơ bị sẩy và các bất thường liên quan đến di truyền ở trẻ sinh ra rất cao.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Trong đó, nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi và thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận, nhất là các bạn trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ