Xây dựng đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành Giáo dục

Xây dựng đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành Giáo dục

Trong tuần vừa qua, Bộ GD&ĐT thường xuyên cập nhật chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chống dịch bệnh, phối hợp với Bộ Y tế kịp thời có những định hướng, giải pháp yêu cầu các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chương trình giáo dục phổ thông học kì II năm học 2019-2020, đến nay, cơ bản việc triển khai thực hiện chương trình tinh giản, tổ chức dạy học trên truyền hình, qua internet tại các địa phương dần đi vào nề nếp, được nhà trường nỗ lực triển khai và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng, đánh giá cao. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch dạy học qua internet, trên truyền hình trên cơ sở nội dung chương trình đã được tinh giản để bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương cũng đã tổ chức tuyển chọn giáo viên tiêu biểu tham gia xây dựng các bài giảng bám sát chương trình tinh giản và tổ chức dạy học trên truyền hình, qua Internet. Bài giảng từ địa phương được Bộ GD&ĐT tổng hợp, thẩm định để chuyển VTV7 phát trên truyền hình bắt đầu từ ngày 13/4/2020. Đến nay, học sinh đã học tập trên VTV7 và truyền hình địa phương tiếp sóng bài giảng của VTV7.

Ủng hộ các y bác sỹ, lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, sáng 8/4, thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trao số tiền 300 triệu đồng, là sự ủng hộ của cán bộ, công chức người lao động cơ quan Bộ để chung tay cùng cả nước phòng chống Covid-19. Ngày 9/4/2020, Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT ban hành văn bản phát động toàn thể công đoàn hỗ trợ, đóng góp kinh phí cho công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, tuần qua, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành văn bản gửi các sở GD&ĐT; các ĐH, học viện, trường ĐH; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua internet; xây dựng các tài liệu điện tử hướng dẫn phụ huynh chăm sóc sức khỏe, tổ chức vui chơi, học tập cho trẻ em mầm non trong thời gian ở nhà; tổ chức Chương trình tư vấn trực tuyến “Đồng hành cùng học sinh, sinh viên trong mùa Covid”…

Đánh giá cao các đơn vị, vụ cục vẫn triển khai tốt các công việc trong điều kiện dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đồng thời nhấn mạnh những nhiệm vụ quan trọng cần sớm triển khai thực hiện.

Trong đó có việc tiến hành khảo sát tình hình dạy học qua internet, trên truyền hình, từ đó khuyến nghị các giải pháp cho từng cấp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả dạy học tốt hơn với phương thức này. Nhanh chóng hoàn thiện quy chế dạy học trực tuyến, trong đó có các quy định về an toàn, an ninh, nhằm bảo vệ học sinh, giáo viên trong quá trình tham gia dạy và học. Đồng thời, xây dựng clip hướng dẫn giáo viên dạy trực tuyến; tiếp tục tiến hành thẩm định các bài giảng do địa phương gửi về để phát sóng trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia (VTV7).

Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học trong giai đoạn tới, trong đó có tính tới phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học. Cùng với đó, xây dựng báo cáo đánh giá tác động của bệnh dịch Covid-19 đối với ngành Giáo dục, đây là cơ sở quan trọng để đề xuất những giải pháp hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho toàn ngành.

Bên cạnh việc tập trung cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ các hoạt động chuyên môn khác. Như, sớm hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 5 văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục năm 2019; triển khai bồi dưỡng giáo viên, trước hết là giáo viên lớp 1 để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trước mắt tăng cường bồi dưỡng trực tuyến.

Được biết, ngay trong tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với một số sở GD&ĐT về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; Hội nghị đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ